Bệnh nhân liệt nửa người đứng dậy được nhờ châm cứu

HÀ NỘI - Cụ bà 85 tuổi, mắc tai biến mạch máu não, liệt nửa người, có thể trở dậy tập đi lại sau nửa tháng điện châm.

Cụ được châm 30 phút mỗi ngày theo đợt một tháng hoặc tháng rưỡi, nghỉ 2-4 tuần giữa các đợt. Chỉ hai tuần đầu tiên, bệnh nhân đã bắt đầu tập đi. Sau đợt một, cụ có thể đi bằng gậy hoặc vịn thang tường, tự làm được vệ sinh cá nhân.

Một bệnh nhân khác 36 tuổi, bị đột quỵ não, nhập viện ngày 22/12. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị liệt nửa người mức độ nặng, ý thức kém, đã có 7 tháng phục hồi chức năng nhiều nơi song không cải thiện. Khi nhập viện, bệnh nhân liệt hoàn toàn nửa người phải.

Sau hai tuần điện châm, bệnh nhân bắt đầu có những cử động tay chân. Bác sĩ tiên lượng tối thiểu hai tháng bệnh nhân sẽ có thể đi lại bằng gậy hoặc vịn thang tường. Những đợt điều trị sau sẽ tiến triển tốt hơn.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Ninh, Trưởng khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết liệt nửa người là tình trạng một bên cơ thể suy yếu, đau tê nửa người bên phải hoặc bên trái, phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương. Tổn thương não trái sẽ gây ra liệt nửa người phải và ngược lại. Bên liệt sẽ có cử động yếu hơn bên còn lại hoặc thậm chí không thể cử động. Nguyên nhân chính gây ra liệt nửa người là xuất huyết não hay đột quỵ xuất huyết, các bệnh về mạch máu não làm gián đoạn quá trình vận chuyển máu lên não, gây thiếu máu cục bộ dẫn đến đột quỵ.

Bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho một bệnh nhân. Ảnh: Minh Nhật
Bác sĩ dùng điện châm chữa liệt nửa người cho một bệnh nhân. Ảnh: Minh Nhật

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ là một bệnh lý nguy hiểm. Khi các tế bào não bị tổn thương, bệnh nhân đột quỵ sẽ đối mặt với các di chứng, điển hình là liệt nửa người.

Bác sĩ Ninh cho biết có nhiều phương pháp để phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ bị liệt nửa người, trong y học cổ truyền, châm cứu là phương pháp chính. Châm cứu là dùng kim châm vào các huyệt vị trên cơ thể người. Huyệt đạo là nơi thông khí vào ra trên cơ thể. Mỗi bên cơ thể người có khoảng 300 huyệt.

Theo y học cổ truyền, bệnh tật sinh ra do sự mất cân bằng âm dương, khí huyết. Khi kích thích các huyệt vị, kinh lạc, tác dụng làm cân bằng âm dương, điều hòa chức năng tạng phủ kinh lạc.

Y học hiện đại kết hợp kim châm và dòng điện để hỗ trợ kích thích, gọi là điện châm. Bác sĩ Ninh nhận định, khi điện châm, bằng cách truyền dòng điện một chiều qua kim châm, hiệu quả kích thích huyệt đạo sẽ được tăng lên đáng kể so với châm cứu truyền thống, từ đó giúp bệnh nhân liệt nửa người nhanh phục hồi hơn.

"Với phương pháp châm cứu truyền thống, thầy thuốc sẽ vê kim bằng tay để kích thích huyệt đạo. Điện châm có thể sử dụng dòng điện để thay thế thao tác này, không chỉ giảm đau đớn mà hiệu quả cao hơn nhiều", bác sĩ nói.

Bác sĩ nhận định, bằng phương pháp điện châm, bệnh nhân ở mức độ bệnh nhẹ hoặc trung bình, khoảng hơn một tháng điều trị là có thể đi lại, tự chủ trong sinh hoạt. Với các bệnh nhân liệt nặng hơn cùng với rối loạn tâm thần, ý thức lơ mơ, cần một vài đợt điều trị. Mỗi đợt điều trị khoảng 4-6 tuần, giữa mỗi đợt có những khoảng nghỉ kéo dài 2-4 tuần. Trong thời gian nghỉ phải duy trì thuốc để phòng các nguy cơ, cũng như có chế độ tập luyện.

Tại khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng hiện đang điều trị phục hồi chức năng cho khoảng 20 bệnh nhân bị liệt nửa người do đột quỵ. Mỗi ngày các bệnh nhân sẽ được châm cứu bằng phương pháp điện châm khoảng 30 phút.

Bác sĩ thực hiện châm kim dài cho bệnh nhân. Ảnh: Thanh Huế
Bác sĩ thực hiện châm kim dài cho bệnh nhân. Ảnh: Thanh Huế

Để thực hiện thủ pháp điện châm cần chuẩn bị bộ kim châm, xung điện có tác dụng kích thích thần kinh cơ, làm tăng dẫn truyền thần kinh. Kim châm làm bằng thép không gỉ, thông thường chiều dài cây kim từ 5 cm đến 20 cm. Kim được hấp tiệt trùng hoặc kim đã tiệt trùng dùng một lần.

Mỗi bệnh nhân sẽ được châm khoảng 20 huyệt ở cả chân và tay. Số lượng này có thể thay đổi tùy theo tình trạng thực tế của mỗi bệnh nhân. Ví dụ, bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, mất ngủ hay tinh thần chưa tỉnh táo có thể châm nhiều hơn.

Bên cạnh việc tìm đúng vị trí chính xác huyệt cần châm, các bác sĩ cũng phải xác định chiều dài kim phù hợp, để đảm bảo châm được vào huyệt. Theo bác sĩ, thao tác châm kim đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo và kinh nghiệm của bác sĩ. Khi châm, tay trái dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn, căng da vùng huyệt; tay phải châm kim nhanh qua da vùng huyệt, đẩy kim từ từ tới huyệt, kích thích kim cho đến khi bệnh nhân có cảm giác căng, tức, nặng vừa phải, không đau ở vùng huyệt vừa châm kim, bác sĩ cảm giác kim mút chặt tại vị trí huyệt. Kim càng dài thao tác châm càng khó.

Ngoài châm cứu, bệnh nhân liệt nửa người được kết hợp với xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, tập vận động để tăng khả năng vận động.

Thúy Quỳnh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn

Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn

Bài thuốc dân gian - 19/12/2023

Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn

6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc

6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc

Bài thuốc dân gian - 18/10/2023

6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc

Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý

Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý

Bài thuốc dân gian - 31/12/2022

Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý

Địa long, công dụng có như lời đồn?

Địa long, công dụng có như lời đồn?

Bài thuốc dân gian - 29/07/2022

Địa long, công dụng có như lời đồn?

Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường

Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường

Bài thuốc dân gian - 10/07/2022

Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới