'Hoa tiêu' thầm lặng

TP HCM - Trong chẩn đoán và can thiệp các bệnh tim, mạch máu bằng DSA, kỹ thuật viên hình ảnh là "hoa tiêu" dẫn đường, hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định chính xác, nhanh chóng.

Anh Trần Bá Khoa, 48 tuổi, kỹ thuật viên hình ảnh, Đơn vị can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết DSA là chụp hình kỹ thuật số hóa xóa nền, công nghệ chẩn đoán hình ảnh và can thiệp nội mạch tiên tiến bậc nhất. Can thiệp nội mạch qua da trên máy DSA là phương pháp điều trị ít xâm lấn, mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.

Trước đây, khi chưa có DSA, phần lớn những tổn thương, bệnh lý về thần kinh, tiêu hóa, gan mật, ung thư, đặc biệt là tim, mạch máu... chỉ giới hạn điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật. Có máy DSA, bác sĩ dễ dàng phát hiện những bất thường, như hẹp hay tắc nghẽn mạch máu, phình mạch hoặc vỡ mạch. Từ đó đưa ra chẩn đoán và phương án điều trị phù hợp nhất.

Hàng nghìn bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã được cứu sống nhờ DSA, tránh được cuộc mổ lớn. Trong tình huống cấp cứu như xuất huyết nội, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... thì phòng chụp DSA giống như phòng cấp cứu thứ hai. Chụp càng nhanh và chính xác, cơ hội sống của bệnh nhân càng cao.

"Linh hồn của phòng thông tắc tim mạch là máy DSA", bác sĩ Trần Hòa, trưởng Đơn vị can thiệp nội mạch chia sẻ. Người chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, vận hành, bảo quản các máy móc và xử lý hình ảnh là những kỹ thuật viên.

"Chúng tôi gọi kỹ thuật viên DSA là người hùng thầm lặng. Họ giống như 'hoa tiêu', dẫn đường cho bác sĩ, nhưng người ngoài ngành y ít biết vai trò quan trọng của họ", bác sĩ Hòa nói.

Anh Khoa có gần 25 năm gắn bó với ngành chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Anh là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên phòng chụp DSA và trở thành đầu tàu nhóm 6 kỹ thuật viên lành nghề của đơn vị.

Kỹ thuật viên hình ảnh Trần Bá Khoa. Ảnh: Thư Anh.
Kỹ thuật viên hình ảnh Trần Bá Khoa. Ảnh: Thư Anh.

Lý giải về sự thầm lặng của nghề kỹ thuật viên hình ảnh, bác sĩ Hoà cho hay, trong mỗi cuộc chụp DSA, kỹ thuật viên có mặt ngay từ sớm. Cài đặt thông số máy xong, họ trực tiếp hướng dẫn tư thế nằm, trấn an tinh thần bệnh nhân. Đồng thời, thiết lập các thiết bị theo dõi sinh hiệu, đảm bảo an toàn cho người bệnh suốt quá trình bác sĩ thao tác.

Một vai trò quan trọng khác của kỹ thuật viên DSA, là giữ an toàn phóng xạ cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Tia X trong chụp chiếu mang lại hình ảnh đẹp, giúp chẩn đoán chính xác. Song, tác hại của nó đến sức khỏe là không thể phủ nhận. Thực tế, nhiều bác sĩ và kỹ thuật viên từ chối làm việc tại DSA một phần cũng vì điều này.

"Muốn bám trụ nghề, đam mê thôi chưa đủ, còn phải dám đánh đổi sức khoẻ", anh Khoa chia sẻ.

Nói về bệnh nghề nghiệp, anh Khoa cho biết, bệnh nhân chỉ tiếp xúc với tia X một vài lần trong đời. Một số trường hợp có chỉ định can thiệp mạch máu não hay động mạch vành phức tạp, thời gian chiếu tia X kéo dài hơn, có thể bị nổi mề đay, nặng thì loét, bỏng da. Còn như anh và đồng nghiệp phải làm việc trong môi trường độc hại hàng ngày. Do đó, kỹ thuật viên DSA có nguy cơ cao bị u não bên trái, ung thư, nhất là ung thư da, tổn thương thủy tinh thể, bệnh tuyến giáp, giảm bạch cầu trong máu và bệnh thoái hóa thần kinh.

Mặc áo chì nặng trong suốt ca làm việc 8 tiếng, kỹ thuật viên dễ mắc các chứng bệnh về lưng và cột sống, bệnh tĩnh mạch hai chân. Riêng anh Khoa, 10 năm trước đã phải trải qua cuộc phẫu thuật cột sống. Bây giờ, anh vẫn phải uống thuốc điều trị bệnh lý khớp xương ở hai chân.

Trăn trở cùng mối lo với đồng nghiệp, bác sĩ Hoà nói rằng, nhân viên y tế sẵn sàng chấp nhận rủi ro để giúp đỡ bệnh nhân của mình. Nhưng đây cũng chính là động lực để họ tìm tòi, cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh cho các bên.

Cụ thể, thay vì giới hạn vị trí làm việc chỉ trong phòng chụp như cũ, anh Khoa và đồng nghiệp học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, lắp đặt một tấm kính chì ngăn cách giữa máy DSA và máy tính điều khiển. Sau khi chuẩn bị tư thế đúng cho bệnh nhân, kỹ thuật viên có thể được ra khỏi phòng chụp, làm việc qua tấm kính.

Đồng thời, kỹ thuật viên luôn phải tự nâng cao tay nghề, thao tác nhanh, chuẩn xác, chuẩn bị tư thế cho bệnh nhân chuẩn, để chụp "bách phát bách trúng". Các anh duy trì mặc bộ đồ bảo hộ bằng chì, nặng hơn 10 kg, gồm áo, mũ, kính, tấm bảo vệ tuyến giáp... suốt ca làm việc 8 tiếng. Nhờ đó, lượng tia bức xạ giảm đến 90%, an toàn của kỹ thuật viên được nâng lên cao.

"Dù chỉ là 'hoa tiêu' dẫn đường cho y học, nhưng tôi và đồng nghiệp luôn tự hào đã góp phần giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đó là niềm vui lớn nhất của người làm ngành y", anh Khoa chia sẻ.

Nhiều năm qua, anh Khoa tham gia hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng và phát triển phòng DSA nhiều bệnh viện tại TP HCM và các tỉnh miền nam, miền trung. Trong ảnh, anh Khoa (thứ hai từ trái qua) hướng dẫn học trò vận hành máy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Nhiều năm qua, anh Khoa tham gia hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng và phát triển phòng DSA nhiều bệnh viện tại TP HCM và các tỉnh miền nam, miền trung. Trong ảnh, anh Khoa (thứ hai từ trái qua) hướng dẫn học trò vận hành máy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Thư Anh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Blog chuyên gia - 14/11/2023

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Blog chuyên gia - 27/09/2021

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Blog chuyên gia - 25/09/2021

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Blog chuyên gia - 23/09/2021

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Blog chuyên gia - 22/09/2021

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới