Sản phụ sinh con khi mắc Covid-19: 'Chỉ mong đẻ sớm'

HÀ NỘI - Thúy Hà, 30 tuổi, mô tả hai tháng điều trị Covid-19 dài đằng đẵng. Lúc chán nản nhất, chị xin bác sĩ mổ sinh để sớm được điều trị rồi ra viện.

Hà quê ở Việt Trì, Phú Thọ, được Bộ Y tế ghi nhận là "bệnh nhân 411" ngày 23/7. Trước khi mắc Covid-19, Hà đang làm việc tại một thị trấn nhỏ cách Moskva, Nga, 40 km. Sống ở Nga đã hai năm song Hà không biết tiếng Nga. Khi mang thai, chị bàn với chồng về Việt Nam sinh con vì sợ nhiễm bệnh và không có người chăm sóc.

Ngày 17/7, Hà một mình ra sân bay, theo đoàn người về nước. Lúc này, chị đang mang thai 27 tuần. Khi đi máy bay, Hà cứ bất an, sợ hãi vì nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Về Việt Nam, chị cách ly ở Nam Định, tới ngày 23/7 xét nghiệm dương tính nCoV, chuyển ra bệnh viện điều trị. Biết tin, Hà nằm khóc suốt một buổi vì điều lo lắng đã thành sự thật. "Tôi không biết gì về bệnh cả, bụng chửa to, chỉ có một mình nên hoang mang lắm. Thậm chí tôi từng có suy nghĩ bỏ trốn về nhà".

Bác sĩ, người nhà liên tục trấn an, động viên chị rằng sẽ khỏi bệnh. Người chồng gọi điện từ Nga về, an ủi vợ: "Không sao đâu, sắp khỏi rồi". Hà bám vào những lời động viên này để vượt qua cơn khủng hoảng ban đầu.

Thúy Hà,
Thúy Hà, "bệnh nhân 411", được công bố khỏi bệnh ngày 16/10. Ảnh: Chi Lê.

Tuy nhiên, chị có kết quả xét nghiệm âm tính rồi dương tính bất thường liên tiếp nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị ngày 17/8. Trước khi rời bệnh viện ở Nam Định, bác sĩ điều trị vẫn an ủi, động viên chị rằng bệnh viện trung ương đã chuẩn bị sẵn các trang thiết bị và vật tư để sinh con an toàn. Đến nơi, Hà được các y bác sĩ trấn an thêm một lần nữa, tỉ mỉ giải thích về phòng sinh nở, các thiết bị đã sẵn sàng, việc điều trị sẽ an toàn nhất cho cả mẹ và con.

Lúc này, Hà đã chấp nhận đối mặt với bệnh tật. "Bác sĩ nhiệt tình lắm nên tôi không còn sợ nữa. Và tôi tự nhủ rằng đang có dịch bệnh, phải chấp nhận hoàn cảnh", chị cho biết.

Vì mang thai, Hà không thể sử dụng kháng sinh hoặc thuốc có thể gây ảnh hưởng tới cả mẹ và con. Do đó, quá trình điều trị Covid-19 của chị kéo dài hơn so với những người khác. Nhìn những người bạn cùng phòng cách ly được chuyển sang khu mới, rồi về nhà, Hà dần cảm thấy mệt mỏi, chán nản.

"Thú thực, tôi chỉ mong sinh sớm để được điều trị khỏi Covid-19, không còn lo lắng sẽ ảnh hưởng tới thai nhi, rồi nhanh chóng được về nhà", Hà cho biết. Thậm chí, chị hỏi bác sĩ về việc can thiệp sớm, mổ lấy em bé ra nhưng họ không chấp thuận.

Ngày 10/9, Hà đau đẻ, sinh thường một bé trai nặng 3,8 kg. Em bé sinh thiếu tháng song chào đời khỏe mạnh, khóc to, chỉ số sinh tồn tốt. Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng, 51 tuổi, cho biết: "Cả ê kip hộ sinh như vỡ òa khi nhìn thấy em bé. Bé khóc ngay, không có dị tật gì. Mẹ bé cũng rất khỏe mạnh, không mất nhiều máu".

Tuy nhiên, hai mẹ con phải tách nhau, tránh lây nhiễm Covid-19. Ban đầu, bác sĩ đặt em bé ở cách giường bệnh của Hà khoảng một cánh tay để chị nhìn thấy mặt con. Sau đó, bé được đưa sang khoa Nhi, ở một khu cách ly riêng, do bà ngoại chăm sóc rồi được ra viện vào cuối tháng 9. Hiện nay, em bé được một tháng 6 ngày tuổi, nặng gần 5 kg, tăng 900 g sau khi ra viện.

Còn Hà tiếp tục đối diện với bốn bức tường ở phòng cách ly sau khi sinh. Người cách ly cùng phòng đã lần lượt được ra về. "Lúc đó tôi chán lắm, còn lại một mình trong phòng", Hà cho biết.

Người nhà khuyên không nên dùng điện thoại sau khi sinh, nhưng Hà vẫn phải cầu cứu tới nó mỗi khi cảm thấy cô đơn. Chị vào mạng, bật nhạc, xem phim, khi khỏe mạnh thì bật nhạc thật to và đi lại trong phòng hoặc gọi điện tâm sự với chồng và người thân để vượt qua buồn chán, tránh nằm nhiều gây mệt mỏi. Có ngày, chị gọi điện về nhà 2-3 lần để xem con có khỏe mạnh hay không. Thức ăn cung cấp sẵn của bệnh viện không đủ, chị nhờ điều dưỡng mua thêm ở căng tin bệnh viện.

Chị Hà chuẩn bị valy và các đồ dùng cá nhân để sẵn sàng ra viện. Ảnh: Chi Lê.
Chị Hà chuẩn bị valy và các đồ dùng cá nhân để sẵn sàng ra viện. Ảnh: Chi Lê.

Sau hơn hai tháng điều trị, ngày 16/10, chị có kết quả âm tính nCoV lần thứ ba liên tiếp, không còn dấu hiệu của bệnh nên được công bố khỏi Covid-19.

Bước ra từ cửa khu cách ly, chị cong cong đôi mắt, cho biết rất vui vì đã được công bố khỏi bệnh. "Tôi nghĩ sẽ được về nhà nên đã mang theo đồ đạc sẵn", chị nói sau lớp khẩu trang. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết Hà chưa được ra viện ngay trong ngày 16/10 mà sẽ ở lại để theo dõi thêm, vài ngày sau mới trở về nhà và tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe tại địa phương.

Hà chia sẻ có rất nhiều dự định sau khi ra viện, song ưu tiên chăm sóc cho con nhỏ, bù lại những ngày tháng em bé không được ở gần mẹ. Hà cũng chưa dự định sang Nga làm việc do dịch Covid-19 vẫn căng thẳng.

Mặc dù chưa được ra viện ngay, Hà vẫn cười tươi tắn, nói "mong chờ ngày về lắm rồi".

Chi Lê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trường quốc tế AISVN vẫn thiếu 96 tỷ đồng để dạy trực tiếp hết năm học

Trường quốc tế AISVN vẫn thiếu 96 tỷ đồng để dạy trực tiếp hết năm học

Hướng dẫn nuôi dạy con - 10/04/2024

Trường quốc tế AISVN vẫn thiếu 96 tỷ đồng để dạy trực tiếp hết năm học

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Hướng dẫn nuôi dạy con - 14/03/2024

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Hướng dẫn nuôi dạy con - 06/03/2024

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Hướng dẫn nuôi dạy con - 05/03/2024

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Hướng dẫn nuôi dạy con - 29/02/2024

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới