Sản phẩm làm đẹp đội lốt 'tế bào gốc'

Bệnh nhân nữ, 45 tuổi, đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám ngày 24/8 do mặt sưng phù, nhiều nốt bầm tím sau tiêm "tế bào gốc" làm đẹp.

Trước khi nhập viện hai ngày, bệnh nhân đến thẩm mỹ viện tiêm tế bào gốc để trẻ hóa da. Nhân viên thẩm mỹ viện giới thiệu đây là tế bào gốc của Hàn Quốc.

Vài ngày trước, Bệnh viện Da liễu TP HCM cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 40 tuổi, mặt nổi đầy nốt sần đỏ sau khi tiêm tế bào gốc tại một spa.

Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết nguyên nhân gây tai biến ở những bệnh nhân này là do các thành phần trong sản phẩm tiêm vào da gây phản ứng trên cơ thể.

"Sản phẩm các thẩm mỹ viện, spa tiêm cho hai bệnh nhân được gọi là tế bào gốc, nhưng thực tế không có bất cứ một tế bào gốc sống nào trong thành phần", bác sĩ Tú nói.

Mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 5 đến 7 bệnh nhân bị tác dụng phụ, tai biến khi sử dụng các sản phẩm "tế bào gốc" dưới dạng tiêm, bôi, uống. Điều trị những tai biến này thường mất nhiều thời gian và chi phí, có nhiều trường hợp phục hồi không hoàn toàn để lại di chứng trên da.

Theo bác sĩ Tú, những năm gần đây rộ lên phương pháp làm đẹp bằng tế bào gốc. "Hiện Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ", bác sĩ Tú nhấn mạnh.

Trên thế giới, một số nước nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý da miễn dịch và hệ thống như vảy nến, xơ cứng bì hệ thống, ly thượng bì bóng nước hay ung thư da... Trong lĩnh vực thẩm mỹ, tế bào gốc được nghiên cứu để điều trị lão hóa da, sẹo xấu, sẹo bỏng. Kỹ thuật này đang được nghiên cứu về hiệu quả và tính an toàn trước khi áp dụng điều trị rộng rãi.

Thực tế, trên thị trường có nhiều sản phẩm tế bào gốc được bán giá vài trăm nghìn đến hàng trăm triệu đồng. Theo bác sĩ Ánh Tú, công nghệ chiết tách tế bào gốc đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, bao gồm quay ly tâm, ly giải hồng cầu và collagen, rửa, phân đoạn mô đệm mạch... Môi trường nuôi cấy của các tế bào gốc đòi hỏi những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như đảm bảo vô trùng, bảo quản ở nhiệt độ từ âm 80 độ C.

"Không thể có sản phẩm tế bào gốc giá chỉ vài trăm nghìn đồng được", bác sĩ Tú chia sẻ.

Bác sĩ Tú phân tích, ngay cả với sản phẩm có chứa tế bào gốc thì khi tiêm vào cơ thể cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chẳng hạn trường hợp chiết tách tế bào gốc cùng loại mô nhưng có nguồn gốc từ những người khác nhau có thể gây phản ứng dị ứng, nặng hơn là tình trạng thải mảnh ghép khởi phát sau nhiều năm điều trị.

Phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong trường hợp lấy tế bào gốc từ cơ thể của một người và sử dụng cho chính người đó, do nguy cơ dị ứng đến từ các thành phần, hợp chất trong quá trình nuôi cấy. Khi tiêm vào cơ thể, không thể kiểm soát hoàn toàn sự phát triển và biệt hóa của các tế bào gốc sẽ diễn ra trong cơ thể như thế nào, dẫn đến việc xuất hiện các khối u thứ phát.

"Do đó công nghệ tiêm tế bào gốc để làm đẹp không đảm bảo an toàn 100%", bác sĩ Tú nói.

Lê Phương 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cô gái trẻ nhập viện với cặp môi biến dạng sau thẩm mỹ cắt môi trái tim

Cô gái trẻ nhập viện với cặp môi biến dạng sau thẩm mỹ cắt môi trái tim

Làm đẹp - 25/04/2024

Cô gái trẻ nhập viện với cặp môi biến dạng sau thẩm mỹ cắt môi trái tim

Vì sao nhiều người tiêm meso trẻ hóa da gặp biến chứng?

Vì sao nhiều người tiêm meso trẻ hóa da gặp biến chứng?

Làm đẹp - 14/03/2024

Vì sao nhiều người tiêm meso trẻ hóa da gặp biến chứng?

Ăn "thâm hụt calo" để giảm cân sau ngày Tết

Ăn "thâm hụt calo" để giảm cân sau ngày Tết

Làm đẹp - 14/02/2024

Ăn "thâm hụt calo" để giảm cân sau ngày Tết

Rước vạ vì ham làm đẹp cấp tốc đón Tết

Rước vạ vì ham làm đẹp cấp tốc đón Tết

Làm đẹp - 25/01/2024

Rước vạ vì ham làm đẹp cấp tốc đón Tết

Dùng cần tây để giảm cân sao cho đúng?

Dùng cần tây để giảm cân sao cho đúng?

Làm đẹp - 18/01/2024

Dùng cần tây để giảm cân sao cho đúng?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới