Cơ hội cho nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực y tế

Trước nhu cầu cấp bách của xã hội về các sản phẩm phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 bằng y học cổ truyền, nhiều nhà sản xuất dược phẩm đang đẩy nhanh việc phát triển sản phẩm từ dược liệu; đồng thời, các nhà khoa học coi đây là cơ hội để thực hiện các nghiên cứu ứng dụng bài bản, khoa học về tác dụng của y học cổ truyền đối với bệnh mới này.  

Từ thực tế này đặt ra yêu cầu hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực y tế, đẩy mạnh liên kết viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm tận dụng các nguồn lực, đưa nhanh các sản phẩm y học cổ truyền có hàm lượng khoa học cao phục vụ nhu cầu xã hội.

Nhiều hướng tiếp cận

Năm 2021, Công ty TNHH một thành viên TraphacoSapa được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu dự án cấp nhà nước hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo bán tự nhiên và phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ đông trùng hạ thảo. Sản phẩm được nghiên cứu, đánh giá lâm sàng và trong đại dịch Covid-19 vừa qua, được doanh nghiệp đẩy mạnh đưa ra thị trường, phục vụ hỗ trợ điều trị Covid-19.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco Nguyễn Huy Văn cho biết, công ty thường xuyên có các hợp đồng hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu, trường đại học để trên cơ sở kết quả nghiên cứu đó, đội ngũ nghiên cứu của doanh nghiệp phát triển thành các sản phẩm chất lượng cao. Trước những hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe người dân, doanh nghiệp nhận thấy không thể thiếu các nghiên cứu chuyên sâu, các công nghệ hiện đại để làm sáng tỏ tác dụng của một số dược liệu trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19.

Một thực trạng hiện nay là nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc đang chạy đua tự phát triển sản phẩm từ dược liệu hỗ trợ điều trị Covid-19, hội chứng hậu Covid-19 trên cơ sở các tài liệu trong nước, thế giới và các hướng tiếp cận điều trị. Giám đốc một công ty dược phẩm cho biết, đơn vị đang triển khai nghiên cứu các sản phẩm về triệu chứng mất ngủ, lo âu, các vấn đề về hô hấp... sau khi mắc Covid-19.

Đơn vị chọn giải pháp tự nghiên cứu đội, đánh giá bằng phương pháp nội bộ để đưa nhanh sản phẩm ra thị trường chỉ trong khoảng 5-6 tháng, thay vì triển khai đăng ký nghiên cứu đề tài một cách bài bản như trước đây. Lý do là vì đăng ký đề tài bằng ngân sách sẽ mất nhiều thời gian cho các thủ tục xét duyệt, đánh giá, nghiệm thu, quyết toán ngân sách..., trung bình mất một năm cho đề tài cấp viện, 2-3 năm cho đề tài cấp bộ, trong khi nhu cầu xã hội đang rất cần sản phẩm và cơ hội kinh doanh chỉ đến chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng cho rằng, đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, không thể coi nhẹ quá trình nghiên cứu bài bản, nghiêm túc. Để làm được điều đó cần sự hợp tác nhiều bên, giữa doanh nghiệp với nhà khoa học, giữa tiền lâm sàng và lâm sàng, giữa nhà phát triển sản phẩm và nhà nghiên cứu... nhằm thiết kế nghiên cứu bảo đảm tính khoa học, khách quan, có giá trị.

Một số viện nghiên cứu cũng nhận thấy đại dịch Covid-19 là cơ hội cho nghiên cứu sâu các sản phẩm phòng, chữa bệnh, làm sáng tỏ những dược liệu nào có tác dụng thật sự đối với vi-rút SARS-CoV-2 và các triệu chứng bệnh, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được một cách nhanh chóng. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-kist) với thế mạnh về công nghệ, trang thiết bị đã xét duyệt, thông qua đề tài phát triển sản phẩm điều trị Covid-19 từ bài thuốc y học cổ truyền.

Được biết, các nhà khoa học của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ sàng lọc, đánh giá một số dược liệu có tác dụng với vi-rút SARS-CoV-2, nghiên cứu thực nghiệm trên vi-rút SARS-CoV-2. Đây là đề tài cấp nhà nước, đã được Hội đồng khoa học xét duyệt thông qua năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định về kinh phí nghiên cứu để triển khai thực hiện. Từ cơ sở dữ liệu khoa học, Viện Dược liệu đã đề xuất Bộ Y tế xem xét sử dụng một số sản phẩm đã nghiên cứu trước đây trong hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19; đồng thời đề xuất cho nghiên cứu lâm sàng bổ sung một số sản phẩm trên các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 để có dữ liệu khoa học mới. Đến nay, cũng chưa có sản phẩm nào được nghiên cứu chuyên sâu như đề xuất.

Từ những thực tế trên cho thấy nghịch lý hiện nay là các sản phẩm đưa nhanh ra thị trường thì hàm lượng khoa học không cao, sự đầu tư thiếu bền vững; còn các sản phẩm nghiên cứu theo quy trình bài bản, khoa học sẽ mất rất nhiều năm, không đáp ứng được nhu cầu của thực tế điều trị và cơ hội của nhà kinh doanh.

Cơ hội cho nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực y tế
Nhiều sản phẩm từ dược liệu đưa ra thị trường đáp ứng nhu cầu người dân. (Ảnh HÀ MINH)

Cần hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, đa ngành

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược Lê Văn Sản, các đơn vị kinh doanh rất cần các nghiên cứu của viện nghiên cứu, trường đại học để giúp chuẩn hóa sản phẩm. Để chủ động ứng phó lâu dài với đại dịch Covid-19, rất cần các nghiên cứu sâu về dược liệu trong nước có tác dụng với vi-rút SARS-CoV-2, từ đó phát triển thành các sản phẩm mang tính chuẩn mực trong phòng, hỗ trợ điều trị bệnh, tránh việc đưa ra những sản phẩm chỉ dựa trên kinh nghiệm dân gian. Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco Nguyễn Huy Văn cho rằng, chiến lược của khoa học-công nghệ là lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hơn lúc nào hết, nhà khoa học cần gắn kết với doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe do đại dịch Covid-19 gây ra.

Các doanh nghiệp cần bắt tay, hợp lực cùng xác định mục tiêu với nhà khoa học để sàng lọc, tuyển chọn các cây thuốc, bài thuốc, sản phẩm, nghiên cứu về cơ chế tác dụng từ dược lý, bằng chứng tác dụng lâm sàng để đưa ra sản phẩm nhanh nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện chưa có các nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về tác dụng của dược liệu đối với Covid-19 là do thiếu quy trình phát triển sản phẩm mới, thiếu nhóm nghiên cứu đủ mạnh và thiếu kinh phí để nghiên cứu bài bản và quy tụ nhà khoa học của nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, rất dễ dẫn đến tình trạng đưa ra sản phẩm nóng vội, thông tin khoa học bị đẩy lên quá mức so với quy mô nghiên cứu, làm mất niềm tin của người tiêu dùng, và ảnh hưởng đến ý tưởng, kế hoạch đầu tư của các nhà phát triển sản phẩm khác.

Qua thực tế đại dịch, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần hình thành mạng lưới các viện nghiên cứu, trường đại học, nhóm nghiên cứu đủ mạnh để nghiên cứu bài bản, quy tụ đa ngành, không thể để tình trạng các nhà dược học, y học, hay các nhà nghiên cứu phát triển dược phẩm hoạt động một cách độc lập, nguồn lực bị phân tán như hiện nay.

Từ góc độ nhà nghiên cứu, GS Lê Trần Bình, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam cũng đồng tình việc trong giai đoạn hiện nay cần tập hợp lực lượng nghiên cứu đa ngành, hình thành nhóm nghiên cứu đủ mạnh để giải quyết các vấn đề khoa học về sức khỏe, như bệnh mới nổi, bệnh hiểm nghèo, nghiên cứu các dược liệu có giá trị thật sự đối với bệnh tật, tổng hợp các dược chất thay thế nhập khẩu...

Các lực lượng đa lĩnh vực này sẽ giải quyết từ đầu đến cuối một vấn đề khoa học trên cơ sở đặt hàng của Nhà nước. Khi cần có thể mời chuyên gia nước ngoài cùng giải bài toán. Nhóm hoạt động theo nhiệm vụ, khi nhiệm kỳ đề tài kết thúc thì giải tán. GS Lê Trần Bình cũng khẳng định, tiềm lực khoa học trong nước rất lớn, cần được khơi dậy bằng những cơ chế phù hợp, bảo đảm kinh phí nghiên cứu, trang thiết bị và có doanh nghiệp đảm nhận khâu sản xuất. Chỉ có mô hình này mới có thể khắc phục được những bất cập hiện nay về nhóm nghiên cứu mạnh, và có nhanh sản phẩm chất lượng cho thị trường.

PGS, TS Nguyễn Duy Thuần, nguyên Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, tiến hành các nghiên cứu về việc sử dụng thuốc y học cổ truyền cho phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 một cách bài bản là rất cần thiết. Bộ Y tế cần tạo điều kiện, có cơ chế cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các sản phẩm, đẩy nhanh quá trình sản xuất, bởi các kết quả trên lâm sàng mới có giá trị quyết định.

Trong điều kiện cấp bách, ngân sách nhà nước cũng cần đáp ứng nhanh cho các nghiên cứu, nếu vẫn theo quy trình thông thường thì chắc chắn ảnh hưởng tiến độ và kết quả nghiên cứu không đáp ứng được tình hình thực tế.

HÀ LINH
 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bộ Y tế: Người tiêm vaccine AstraZeneca không cần xét nghiệm đông máu

Bộ Y tế: Người tiêm vaccine AstraZeneca không cần xét nghiệm đông máu

Thời sự xã hội - 14/05/2024

Bộ Y tế: Người tiêm vaccine AstraZeneca không cần xét nghiệm đông máu

Kính vỡ làm khách bị thương nặng, The Coffee House hay Việt Tower phải chịu trách nhiệm?

Kính vỡ làm khách bị thương nặng, The Coffee House hay Việt Tower phải chịu trách nhiệm?

Thời sự xã hội - 14/05/2024

Kính vỡ làm khách bị thương nặng, The Coffee House hay Việt Tower phải chịu trách nhiệm?

TP.HCM: 4 công nhân sửa cáp ngầm bị bỏng điện nặng, trong đó 1 ca bỏng 80% vùng đầu

TP.HCM: 4 công nhân sửa cáp ngầm bị bỏng điện nặng, trong đó 1 ca bỏng 80% vùng đầu

Thời sự xã hội - 10/05/2024

TP.HCM: 4 công nhân sửa cáp ngầm bị bỏng điện nặng, trong đó 1 ca bỏng 80% vùng đầu

Bắc Giang: Nhảy xuống hố nước cứu 2 cháu, cả 3 ông cháu tử vong

Bắc Giang: Nhảy xuống hố nước cứu 2 cháu, cả 3 ông cháu tử vong

Thời sự xã hội - 10/05/2024

Bắc Giang: Nhảy xuống hố nước cứu 2 cháu, cả 3 ông cháu tử vong

Một công nhân tử vong vì kẹt trong cối xay giấy

Một công nhân tử vong vì kẹt trong cối xay giấy

Thời sự xã hội - 08/05/2024

Một công nhân tử vong vì kẹt trong cối xay giấy

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới