Để không rơi vào “ma trận” thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19

24/02/2022 - Thuốc biệt dược
Áp dụng những đơn thuốc điều trị cho F0 nặng từ thời kỳ dịch bệnh căng thẳng, tự mua tích trữ nhiều loại thuốc được mách như kháng virus, chống đông... với giá cắt cổ, nhiều người dân đang rơi vào "ma trận" thuốc được thổi phồng có tác dụng điều trị Covid-19. 

F0 hoang mang vì "ma trận" thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19

Trước tình trạng trẻ em nhiễm Covid-19 tăng cao tại Hà Nội 2 tuần qua, chị Nguyễn Thị L. (Thanh Trì, Hà Nội) kể, chị được một người bạn tư vấn có loại thuốc của Nga có thể phòng được Covid-19 và điều trị được khỏi dưới dạng viên ngậm.

Theo lời tư vấn, thuốc này nếu ngậm một đợt có thể dự phòng được 2-3 tháng, nếu bị nhiễm Covid-19 ngậm sẽ nhanh khỏi bệnh. Viên ngậm ngọt phù hợp với trẻ em. 

“Loại thuốc này hiện đang được bán với giá khoảng 900.000-1 triệu đồng/vỉ (10 viên), tăng giá hơn so với trước tết. Tuy nhiên, đây là giá bán buôn họ để lại, thực tế giá bán lẻ có thể tăng thêm 400.000-500.000 đồng/vỉ mà cũng không có hàng”, chị L. kể.

Với tâm lý phòng sẵn còn hơn tới lúc con nhiễm không có thuốc, chị L. cũng cắn răng bỏ tiền triệu mua cho con 2 vỉ phòng sẵn với niềm tin, nếu con nhiễm bệnh ngậm thuốc này sẽ nhẹ.

Cũng như chị L., nhiều người đang săn lùng một số loại thuốc được rỉ tai nhau phòng bệnh tốt, hỗ trợ điều trị nếu không may trở thành F0. 

Ngoài những thuốc cơ bản như hạ sốt, bù điện giải, vitamin, thuốc trị ho, cảm cúm... người dân cũng dễ dàng tin vào khả năng phòng, điều trị của thuốc kháng virus có mác nước ngoài được rao bán tràn lan trên “chợ đen” mạng xã hội, trong đó nổi bật là thuốc Molnupiravir và Arbidol (hay còn gọi là thuốc xanh, đỏ của Nga).

Mặc dù chưa được cấp phép hay nhập khẩu chính thức, nhưng gian thương vẫn nhập lậu về bán và thổi phồng rất lớn về công dụng của các loại thuốc kháng virus này. 

Lợi dụng lòng tin và sự hoang mang của nhiều người dân, đặc biệt người mới nhiễm Covid-19, nhiều người trong các diễn đàn tư vấn hỗ trợ F0 online đã mạo danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn các loại thuốc với lời bảo đảm chắc chắn điều trị khỏi. Nhiều người dân vì thế như rơi vào ma trận thuốc, không biết đâu mới thật sự là tốt nhất cho mình. 

Để không rơi vào “ma trận” thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19
 Nhiều loại thuốc được rao bán thổi phồng về khả năng phòng và điều trị Covid-19.

Đang tư vấn điều trị cho hàng nghìn F0 tại một số địa bàn quận Ba Đình, TP Hà Nội, bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, có rất nhiều bệnh nhân vì hoang mang nên mua tất cả các loại thuốc được mách, thậm chí tự uống, tự điều trị mà không cần bất kỳ sự tư vấn nào của bác sĩ.

Khi được các bác sĩ trả lời tư vấn qua Zalo, họ sẽ có những câu hỏi dạng: "Tôi có sẵn thuốc này có nên sử dụng không?" hoặc "Tôi vừa uống thuốc A. để phòng", rất khó cho bác sĩ tư vấn.  

"Hiện có nhiều đơn thuốc lan truyền trên mạng không chính thống. Có F0 sử dụng những đơn thuốc được áp dụng từ đợt đầu tiên cho bệnh nhân nặng tại TP Hồ Chí Minh trong khi họ còn trẻ và không có bệnh nền. Đây là điều rất nguy hiểm", bác sĩ Tuấn Anh nói.

"Đôi lúc, việc dùng thuốc sai gây ra hậu Covid-19, chứ không phải do nhiễm Covid-19 mới có hậu Covid-19. Thí dụ, người bệnh tự ý dùng corticoid, dùng duy trì sẽ làm ảnh hưởng tiêu hóa, tổn thương dạ dày, rối loạn nội tiết", bác sĩ Tuấn Anh cảnh báo. 

Theo nữ bác sĩ này, nếu không chỉ định bác sĩ thì người dân không nên dùng thuốc kháng sinh, corticoid, chống đông. Bởi vì các loại thuốc này chỉ dùng cho người có bệnh nền, có diễn biến nặng, nguy cơ chuyển lên tầng trên. Nhiều người nghĩ cứ dùng để phòng cho yên tâm, nhưng thực tế có rất nhiều tác dụng phụ mà họ không biết. 

Không lãng phí, tốn tiền tích trữ thuốc không rõ nguồn gốc

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng, rất nhiều người truyền tai nhau về cách sử dụng loại thuốc phòng, thuốc điều trị khác nhau để hỗ trợ điều trị Covid-19. “Nhiều người mách nhau sử dụng thuốc đặc trị, thực phẩm chức năng nào đó sẽ âm tính nhanh. Nhưng thực tế, có những người chẳng cần sử dụng loại đặc trị nào cũng nhanh âm tính”.

Trước ma trận các loại thuốc này, dẫn tới tâm lý mua sẵn tích trữ, khan hiếm một số mặt hàng ở hiệu thuốc bán lẻ, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh, người dân không nên mua phòng sẵn một số loại thuốc chưa biết hiệu quả điều trị tới đâu.

Nếu bị sốt, F0 nên uống hạ sốt, bù đủ nước và điện giải. Bị ho khan thì uống thuốc giảm ho hoặc hỏi bác sĩ sử dụng loại nào phù hợp khi ho nặng lên. Người dân sử dụng vitamin tổng hợp chỉ cần ngày 1 viên là đủ, chủ yếu bảo đảm ăn ngủ tốt, vận động nhẹ nhàng, không đọc nhiều tin tức tiêu cực. Việc sử dụng quá nhiều vitamin phối hợp không có tác dụng tăng sức đề kháng mà sẽ dẫn tới những tổn thương do thừa vitamin. 

“Tôi cho rằng các loại thảo dược, thực phẩm chức năng tăng đề kháng các thứ không nhất thiết phải dùng. Nếu ăn uống được, ăn đủ bữa, đa dạng món ăn thì sẽ tốt hơn nhiều những thuốc thập cẩm trên”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

Người dân cũng có tâm lý tích trữ kháng sinh nhưng lại tự ý điều trị sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Có trường hợp cứ ho khan, đau họng là dùng kháng sinh, thậm chí dùng phối hợp mấy loại kháng sinh trong khi đó, đau họng do virus chỉ cần mật ong, giảm ho bổ phế thảo dược hoặc một số loại thuốc kháng viêm nhẹ. 

“Nếu ho khan kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ thậm chí đau bụng thì ngoài dùng mật ong, bổ phế, chỉ cần dùng thuốc hoặc siro có 1 trong 2 thành phần: alimemazin hoặc diphenhydramin. Kháng sinh không có tác dụng gì với virus. Người bệnh chỉ dùng kháng sinh khi thực sự cần và phải có bác sĩ kê đơn, hướng dẫn. Ngoài việc ảnh hưởng gan, thận, lạm dụng kháng sinh sẽ khiến tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam trở nên tồi tệ hơn”, bác sĩ Hoàng nói.

Với loại thuốc trước đây người dân phải bỏ tiền triệu mới mua được một vỉ để điều trị là Molnupiravir, bác sĩ Hoàng cho biết, Bộ Y tế hiện nay đã công bố về giá thuốc kháng virus Molnupiravir nội với giá thành hợp lý và thuốc này sẽ sớm có mặt tại các nhà thuốc bán lẻ.

Hiện 3 nhà sản xuất bảo đảm khả năng cung ứng ra thị trường, người dân không cần phải mua sẵn tích trữ. Tuy nhiên, khi đã tiếp cận loại thuốc được Bộ Y tế cấp phép này, người dân cũng cần phải đọc hướng dẫn để sử dụng an toàn.

Về các loại thuốc kháng đông, kháng viêm, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế thì chỉ khi SpO2 dưới 96, nhịp thở trên 20 lần/pphút thì bác sĩ mới kê đơn cho dùng 1 ngày, trước khi nhập viện. F0 tại nhà không cần quan tâm đến kháng đông, kháng viêm corticoid. Nếu tình hình chuyển biến nặng, nên nhập viện để được điều trị chính thống.

Việc sử dụng các thuốc kháng virus không rõ nguồn gốc để điều trị Covid-19 cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tiền mất, tật mang, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dùng. 

Từ giữa tháng 1, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các đơn vị cung ứng, y tế các địa phương phải chuẩn bị kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc để bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Bộ Y tế nhấn mạnh, người dân không nên tự ý mua thuốc và tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19, đặc biệt không được tin vào những hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế cấp phép hay khuyến cáo sử dụng. Những thuốc điều trị Covid-19 đang được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành ở Việt Nam chỉ được phép sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Ðiều trị dự phòng giang mai bằng liệu pháp Doxy-PEP

Ðiều trị dự phòng giang mai bằng liệu pháp Doxy-PEP

Thuốc biệt dược - 06/05/2024

Ðiều trị dự phòng giang mai bằng liệu pháp Doxy-PEP

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Thuốc biệt dược - 07/03/2024

Cabenuva, thuốc điều trị HIV dùng mỗi tháng một lần

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

Thuốc biệt dược - 01/02/2024

Hiểu đúng về chất lượng thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Thuốc biệt dược - 15/12/2023

WHO phát hiện siro ho, hỗn dịch nhiễm độc

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Thuốc biệt dược - 22/11/2023

Uống liền 60 viên paracetamol, cô gái ngộ độc nặng

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới