Kịch bản vaccine không thể đẩy lùi Covid-19

Các nhà khoa học lo ngại vaccine không thể giúp thế giới đạt miễn dịch cộng đồng do rào cản phân phối, thái độ hoài nghi của công chúng và các biến thể nCoV.

Tháng 8/2020, Nga tiên phong phê duyệt vaccine Covid-19 Sputnik V do các nhà khoa học trong nước điều chế. Đến tháng 11-12/2020, hàng loạt quốc gia khác như Anh, Mỹ và khối Liên minh châu Âu chấp thuận vaccine của Moderna, AstraZeneca và Pfizer.

Khi thế giới ghi nhận 100 triệu ca nhiễm và 2 triệu ca tử vong, vaccine mở ra hy vọng về miễn dịch cộng đồng toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Song đến nay, các chuyên gia cảnh báo đây có thể chỉ là "viễn cảnh màu hồng".

Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa ra kịch bản khác: tiêm chủng diện rộng là chưa đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm của nCoV, ít nhất trong tương lai gần. Một số chuyên gia thậm chí bi quan hơn, cho rằng virus có thể không bao giờ bị tiêu diệt. Theo ông Ryan, tiêu chuẩn thành công không phải miễn dịch cộng đồng, mà là "ngăn chặn Covid-19 gây tử vong, khiến người bệnh nhập viện, phá hủy đời sống kinh tế, xã hội".

Pfizer-BioNTech và AstraZeneca vẫn gặp trục trặc trong khâu sản xuất, phân phối. EU chịu đòn giáng mạnh sau khi AstraZeneca cắt giảm một nửa lượng hàng giao trong quý đầu tiên, đang xem xét hạn chế xuất khẩu vaccine ra ngoài khối, làm dấy lên lo ngại các liều tiêm sẽ về tay những quốc gia giàu có nhất trên thế giới. Đến ngày 31/1, Liên minh thu hồi quyết định này. Canada và Singapore đều bị ảnh hưởng bởi việc Pfizer trì hoãn phân phối các lô hàng do phải nâng cấp một nhà máy ở Bỉ.

Những lọ vaccine của Pfizer tại một điểm tiêm chủng ở Hong Kong. Ảnh: AFP
Những lọ vaccine của Pfizer tại một điểm tiêm chủng ở Hong Kong. Ảnh: AFP

Các chuyên gia cho rằng hãng dược có thể khắc phục những sự cố này, dù không phải trong thời gian ngắn. Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học tại trường y tế công cộng của Đại học Hong Kong, cho rằng nhà sản xuất đang đánh giá quá cao năng lực cung ứng của họ.

"Đây là thị trường cạnh tranh và mọi công ty đều muốn tối đa hóa thị phần. Đưa ra nguồn cung thấp có thể ép giá các lô vaccine", ông nói.

Trong khi đó, Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết việc trì hoãn sản xuất không phải là vấn đề lâu dài. Theo ông, các hãng dược cuối cùng sẽ có đủ lượng hàng hóa cung cấp cho những người muốn tiêm chủng.

Lawrence Gostin, giáo sư Đại học Georgetown, người đứng đầu Trung tâm Hợp tác WHO về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu, cho rằng viễn cảnh miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine là "hoàn toàn thiếu thực tế". Ông nhận định các nước thu nhập thấp khó hoàn thành chương trình tiêm chủng đại trà trước năm 2021 do điều kiện kinh tế và sự khan hiếm nguồn cung.

"Khi đó, virus vẫn có thể trở thành dịch bệnh đặc hữu", ông nói thêm.

Nghiên cứu gần đây của The Economist Intelligence Unit chỉ ra rằng trong số các nền kinh tế thuộc châu Á - Thái Bình Dương, chỉ Hong Kong, Singapore và Đài Loan được cho là có tỷ lệ tiêm chủng bao phủ khoảng 60% dân số vào quý 4 năm nay. Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đạt mục tiêu này vào quý 2. Những quốc gia thu nhập thấp hơn như Myanmar và Campuchia (với GDP bình quân đầu người bằng một phần mười Singapore) có thể mất ít nhất 4 năm, tới 2025 hoặc xa hơn, mới hoàn thành tỷ lệ này.

Ngay cả khi phân phối chỉ là vấn đề ngắn hạn, về lâu dài, những rào cản lớn khác là hậu cần, vận chuyển và thái độ hoài nghi của công chúng. Đây là thử thách đối với cả những nền kinh tế lớn nhất. Cuộc khảo sát ở Hong Kong vào tháng 1/2021 cho thấy khoảng một nửa dân số không có ý định dùng vaccine.

Nhiều người không đủ điều kiện y tế để tiêm chủng, số khác khó tiếp cận chương trình vì vị trí địa lý hoặc kinh tế xã hội. WHO cũng khuyến cáo người có tiền sử dị ứng, phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi không nên dùng vaccine Pfizer-BioNTech. Jeremy Rossman, giảng viên cao cấp về virus của Đại học Kent, cho biết chi phí tiêm chủng có thể "đắt khủng khiếp", ngay cả với những nước giàu có nhất.

Người già tại Viện dưỡng lão Estella, miền bắc Tây Ban Nha, được tiêm vaccine Pfizer, tháng 1/2021. Ảnh: AP
Người già tại Viện dưỡng lão Estella, miền bắc Tây Ban Nha, được tiêm vaccine Pfizer, tháng 1/2021. Ảnh: AP

Giới khoa học đặc biệt lo ngại về sự xuất hiện của biến thể virus Nam Phi. Biến thể B.1.351 mang ba đột biến (E484K, K417N và N501Y) tại các vùng quan trọng của gene - nơi tạo ra protein gai dùng để gắn vào tế bào người. Trong đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus.

"Như vậy, nó giúp nCoV vượt qua hàng rào miễn dịch sinh ra bởi vaccine", Francois Balloux, giáo sư sinh học, Đại học College London, cho biết.

Vaccine của J&J cho hiệu quả 72% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối tại Mỹ, song con số này giảm xuống còn 57% khi gặp biến thể Nam Phi. Novavax trải qua tình trạng tương tự, độ bảo vệ của các liều tiêm giảm từ 89% xuống còn 49%. Ngay cả trước khi có kết quả này, các thử nghiệm cũng cho thấy vaccine kém hiệu quả hơn với B.1.351.

Các nhà khoa học cảnh báo biến thể Nam Phi khiến cuộc chiến của nhân loại với Covid-19 kéo dài hơn rất nhiều. Vaccine thế hệ đầu có khả năng không còn hoạt động tốt trong tương lai, buộc giới khoa học tinh chỉnh hoặc phát minh sản phẩm mới. Nó cũng có thể biến Covid-19 thành một mầm bệnh theo mùa, như cúm, cần tiêm chủng nhắc lại hàng năm.

Thục Linh (Theo SCMP)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Tin quốc tế - 24/10/2023

Kiểm nghiệm khuôn mặt của các tỷ phú phát hiện 5 nét tướng của người phát tài

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

Tin quốc tế - 06/10/2023

Nhiều tội phạm bỏ trốn để khi dẫn độ về nước có thể thoát án tử hình

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Tin quốc tế - 12/05/2023

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Tin quốc tế - 05/04/2023

WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân

Tin quốc tế - 05/04/2023

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới