Bộ trưởng Y tế: 'Ngành y chuyển đổi mạnh mẽ'

Theo VnExpress 04:18 07/01/2021 - Y tế 24h
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận ngành y năm 2020 gặp nhiều khó khăn do Covid-19, song đã tích cực chuyển đổi, đạt nhiều thành tựu.

"Ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Long phát biểu tại Hội nghị Y tế toàn quốc, sáng 6/1.

Ngành y tế đạt hai chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội và Chính phủ giao trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020: 28 giường bệnh trên 10.000 dân và 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Việt Nam cũng duy trì 14 năm liên tiếp đạt mức sinh thay thế, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuổi thọ trung bình 73,7 tuổi, tăng 0,1 tuổi so với năm 2019.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, bước đầu triển khai hiệu quả. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020, tầm vóc người dân được cải thiện, chiều cao trung bình của thanh niên nam 168,1 cm (tăng 3,7 cm so với năm 2009); nữ 156,2 cm (tăng 2,6 cm so với năm 2009).

Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tiếp tục được cải thiện. Đề án khám chữa bệnh từ xa được ban hành, trong 45 ngày đã kết nối được 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, đến nay hơn 1.500 cơ sở y tế cả nước.

Theo Bộ trưởng Long, 2020 cũng là năm cải cách hành chính mạnh mẽ của ngành y. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dự phòng, khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đứng thứ 4 trong số các Bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, là một trong hai Bộ đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 100%.

"Bộ Y tế đã công khai tất cả hoạt động liên quan đến ngành, từ mua sắm, giá cả dược phẩm, trang thiết bị, dịch vụ y tế. Người dân có thể tự tra cứu trên mạng, trên thiết bị điện thoại thông minh", Bộ trưởng Long nói.

Ông nhận định, dịch Covid-19 cơ bản ngăn chặn và kiểm soát, được các tổ chức quốc tế và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời, Việt Nam cũng khống chế thành công một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm quay trở lại như bạch hầu, Whitmore... không để xảy ra "dịch chồng dịch".

"Việt Nam là điểm sáng phòng chống Covid-19 thành công", Bộ trưởng Y tế nói.

Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene nCoV, là một trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể, sản xuất thành công máy thở đáp ứng nhu cầu điều trị. Việt Nam cũng là một trong ít quốc gia trong ASEAN thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người.

Tuy nhiên, ông Long nhìn nhận công cuộc phòng chống đại dịch chưa có điểm kết thúc. Sự biến đổi của virus đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao hơn nữa trong đại chiến cam go này.

"Bảo vệ nhân dân được hưởng một cái Tết bình an", "Để cuộc sống trở lại cuộc sống bình thường, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân" - là niềm mong muốn, mục đích trước mắt và lâu dài, cấp bách và cũng là trường kỳ của ngành y tế trong năm 2021, theo Bộ trưởng Long.

Tất cả các tỉnh, thành phố được Bộ Y tế khuyến cáo không lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục tập trung phòng chống dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trong năm 2021, đây vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Bức tranh dịch Covid-19 chưa có gì sáng sủa.

Năm 2021, Bộ trưởng Y tế cho biết trong tháng 3 sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo cấp phép dược phẩm, thực phẩm. Từ tháng 7 sẽ thực thi khám chữa bệnh không dùng giấy.

"Đây là mục tiêu tham vọng nhưng chúng tôi cho rằng phải thực hiện. Có như vậy chúng ta mới có bước chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới nền y tế trong tương lai", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Về nguồn nhân lực, Bộ trưởng Y tế cho biết trong luật Khám chữa bệnh sửa đổi sắp tới, ngành y tế thi cấp chứng chỉ hành nghề, chọn đây là khâu đột phá ưu tiên đầu tiên.

Hai trường đại học Y Hà Nội và Y dược TP HCM được giao nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên nước ngoài, không chỉ Lào và Campuchia.

Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ tăng đầu tư cho y tế, tập trung vào y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng huy động từ xã hội với các hình phù hợp như thuê toàn bộ dịch vụ công nghệ thông tin, hạ tầng nhằm tiết kiệm nhân lực, dành thời gian cho hoạt động chuyên môn nhiều hơn thay vì hoạt động hành chính.

Lê Nga

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Y tế 24h - 01/10/2024

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Y tế 24h - 30/09/2024

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới