Cảnh báo hệ lụy tự ý chữa ngứa khi giao mùa

15/10/2023 - Y tế 24h
Nhiều ca đến viện với biến chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí nhiễm khuẩn, chảy dịch do tự ý điều trị theo "đơn" của người bán thuốc.

Thời tiết chuyển dần khô hanh, các chuyên khoa da liễu tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về da. Nhiều ca đến viện với biến chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí nhiễm khuẩn, chảy dịch do tự ý điều trị theo "đơn" của người bán thuốc.

Lạm dụng thuốc 3 thành phần

Chỉ tay vào những vết trầy xước để lại ở vùng cổ và mặt, chị M.T.H (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Khoảng hai tuần trước, trên mặt xuất hiện một số đám mẩn đỏ, hơi ngứa ngáy nên tôi ra hiệu thuốc nhờ dược sĩ tư vấn. Họ bảo tôi viêm da cơ địa và bán thuốc để tôi dùng.

 
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TƯ đang thăm khám cho bệnh nhân viêm da cơ địa.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TƯ đang thăm khám cho bệnh nhân viêm da cơ địa.

Ban đầu dùng thuốc bôi, các vết mẩn và ngứa dịu rất nhanh. Tuy nhiên, hai ngày nay, trời hanh khô hơn thì tình trạng tệ hơn, khắp mặt và cổ mẩn lan khắp kèm ngứa rát nhiều hơn nên đã đến BV Da liễu TƯ khám".

Cũng tại đây, bé N.L.P (18 tháng tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) được bà và mẹ đưa đi khám với khuôn mặt xước đỏ, thậm chí có vết xước mưng mủ. Mẹ bé P cho hay: "Con được chẩn đoán viêm da cơ địa từ 1 tháng tuổi, gãi đến đâu mẩn ngứa nổi lan đến đó. Thời tiết càng khô hanh con lại càng ngứa. Khám mãi gần nhà cũng chỉ giảm chút ít. Ai bảo dùng gì để tắm, để bôi cho con, tôi đều thử nhưng không thấy đỡ".

BS Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiêm lâm sàng, BV Da liễu TƯ cho biết: "Nếu có 10 bệnh nhân thì tới 9 người đã từng ra hiệu thuốc nói viêm da, và được bán cho loại thuốc chứa cả corticoid, kháng sinh, kháng nấm. Chúng tôi thường gọi là thuốc 3 thành phần.

Thông thường thuốc chứa corticoid là thuốc kháng viêm không đặc hiệu, giúp giảm triệu chứng viêm da rất nhanh, tuy nhiên không phải viêm da nào cũng được chỉ định dùng. Chưa kể đến việc tự ý điều trị kéo dài, làm tổn thương trên da nặng hơn dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, tác dụng phụ và thậm chí gây biến chứng".

Theo BS, viêm da có nhiều nguyên nhân, có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc do thời tiết, nhất là trong giai đoạn thời tiết giao mùa hiện nay. Và thường gặp nhất là viêm da cơ địa, biểu hiện khô, ngứa, chảy dịch, tái đi tái lại, ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống hằng ngày.

"Với viêm da cơ địa mạn tính, người bệnh nên phải dùng loại dưỡng ẩm phù hợp, chất rửa không chứa xà phòng, và một số phải dùng corticoid theo chỉ định của bác sĩ. Hết tổn thương, bệnh nhân không được tự ngừng thuốc mà phải duy trì và hạ liều để tránh tái phát", BS Nguyệt lưu ý.

Dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ

BS CKII Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, BV Da liễu TƯ cho biết: "Bước vào mùa thu đông, làn da của chúng ta trở nên hanh khô, giảm sức đề kháng dẫn đến da bị suy yếu, kích ứng hay gặp các bệnh lý như viêm da, chàm, dị ứng, nấm da, vảy nến...".

Cũng theo BS Linh, khó chịu nhất là khô da, vì nhiệt độ không khí mức thấp, độ ẩm thấp có ngày chỉ số ẩm chỉ 40-45%. Cơ thể không được bổ sung kịp thời khiến tình trạng các tế bào sừng trên da bị mất nước, dẫn tới co nhỏ, làm lớp bảo vệ bên ngoài bị tổn thương, hư hỏng.

Khi bị tổn thương như vậy, các tế bào giãn rộng ra dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn bởi các chất kích ứng ngoài môi trường, xâm nhập sâu vào trong da. Nếu nhẹ thì bệnh nhân thấy hơi ngứa ngáy, bong tróc, mất thẩm mỹ; Nặng hơn là khô ngứa và xảy ra tình trạng viêm từng đám, mảng kiểu chàm, mụn nước…

Bên cạnh đó, cùng độ ẩm không khí thấp và khô da còn kích hoạt một số bệnh da liễu tiềm tàng. Chính vì vậy, những người vốn từng viêm da cơ địa hay vẩy nến thì mùa đông là mùa khiến các tổn thương da quay trở lại, nặng nề hơn, khó kiểm soát hơn.

"Với các bệnh lý về da, đặc biệt là viêm da cơ địa, lứa tuổi khởi phát bệnh và tới khám đa dạng. Chúng tôi từng tiếp nhận bệnh nhân nhỏ nhất khi mới chỉ 1 tháng tuổi đến khám, hoặc người cao tuổi.

Đa phần có biểu hiện da khô quá, ngứa ngáy khó chịu và càng gãi càng ngứa, gây tổn thương da trầm trọng hơn. Chú ý phòng ngừa cơn bùng phát bệnh, người bệnh cần vừa điều trị bệnh bằng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ vừa phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ vừa chăm sóc cho da", BS Linh chia sẻ.

Với các bệnh nhân mắc viêm da mạn tính, thuốc dùng trong giai đoạn bệnh bùng phát, chế độ chăm sóc phải thường xuyên, quanh năm để tổn thương không quay trở lại. Do đây là bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm nhưng duy trì tốt giúp thời gian lui bệnh kéo dài, càng lâu càng tốt để đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Theo lưu ý của BS Nguyễn Thùy Linh, về biện pháp chăm sóc da, bệnh nhân cần làm sạch bằng sản phẩm phù hợp với bệnh lý; Liên tục giữ độ ẩm cho da, bằng dùng các loại dưỡng ẩm, với người viêm da phải dùng loại có nhãn chuyên biệt. Ngoài ra, người bệnh cần ăn uống sinh hoạt khoa học, lưu ý uống nhiều nước, rau xanh, cung cấp vitamin, giảm khô da… hạn chế chất kích thích nhằm tránh gây các đợt bùng phát bệnh.

 

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chỉ vì cái polyp nhỏ trong buồng tử cung mà gây ra vô sinh

Chỉ vì cái polyp nhỏ trong buồng tử cung mà gây ra vô sinh

Y tế 24h - 25/04/2024

Chỉ vì cái polyp nhỏ trong buồng tử cung mà gây ra vô sinh

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Y tế 24h - 19/04/2024

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Y tế 24h - 19/04/2024

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Y tế 24h - 19/04/2024

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Y tế 24h - 17/04/2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới