Người bị phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19: 'Đau mỏi như lao động nặng'

Theo VnExpress 22/03/2021 - Y tế 24h
TP HCM - Sau khoảng 5 giờ tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca vào hai tuần trước, nam bác sĩ hơn 40 tuổi bắt đầu tiêu chảy, người mệt mỏi, uể oải.

Nam bác sĩ (không muốn nêu tên) tiêm vaccine vào buổi sáng, sau khi theo dõi 30 phút tại nơi tiêm thì trở về khoa làm việc. Đầu giờ chiều, anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Trong suốt 5 giờ sau, anh tiêu chảy khoảng 10 lần.

"Đến tối thì hết tiêu chảy, triệu chứng không quá nghiêm trọng, tôi nghĩ do thức ăn buổi trưa có vấn đề", nam bác sĩ kể. Sáng hôm sau, trở lại bệnh viện, một bác sĩ chung bệnh viện cùng tiêm chủng, cho biết đã đi tiêu chảy khoảng 20 lần, phải truyền nước biển, sau khi tiêm vaccine. Lúc này, anh mới nghĩ đến tác dụng phụ của vaccine Covid-19.

Như đa số các đồng nghiệp khác, anh sốt nhẹ, uể oải, "giống như triệu chứng của người bệnh cúm", trong khoảng 24 giờ đầu, không gây ảnh hưởng công việc. Vết tiêm sưng đau nhẹ, hơi nóng, vài ngày sau mới trở lại bình thường. "Đây là những phản ứng thông thường xảy ra sau tiêm, tương tự như thông báo của nhà sản xuất và những nghiên cứu lâm sàng trên thế giới", anh bác sĩ nói.

Anh cảm thấy vui mừng khi được là một trong những người đầu tiên được chích vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam. Tuy nhiên, anh không tránh khỏi hơi lo lắng, hồi hộp vì một số nước trên thế giới ghi nhận những trường hợp tử vong, tai biến sau tiêm vaccine. "Quan trọng là mình có niềm tin nên vẫn rất tự tin tiêm ngừa", bác sĩ nói.

Không tiêu chảy như bác sĩ trên, một nữ điều dưỡng, 35 tuổi, cảm thấy hơi đau đầu, sốt 38,5 độ, sau khi tiêm khoảng 9 tiếng. Chị cảm thấy các cơ đau nhức, mệt mỏi như vừa đi lao động nặng về. "Lúc mới tiêm vaccine vào hơi tê như kiến cắn, tương tự như tiêm những loại vaccine khác", chị nói.

Là người có phản ứng sốt đầu tiên trong số những trường hợp tiêm chủng cùng đợt, chị nằm theo dõi tại khoa cấp cứu, nơi có đầy đủ phương tiện, đội ngũ chuyên môn xử trí nếu chẳng may xảy ra phản ứng bất lợi. "Tôi không lo lắng nhiều vì thấy cơ thể vẫn ổn, các triệu chứng chỉ là tác dụng phụ đã được tư vấn kỹ trước khi tiêm vaccine", chị nói.

Sau khi uống một liều thuốc hạ sốt, chị giảm sốt dần. Những ngày sau, triệu chứng nhức mỏi cũng giảm dần. Đến ngày thứ ba, sức khỏe chị trở về bình thường như trước khi tiêm vaccine. "Được tiêm vaccine xong tôi cảm thấy vững tin hơn, yên tâm hơn", chị nói.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM kiểm tra lọ vaccine AstraZeneca trước khi bắt đầu tiêm chủng ngày 8/3. Ảnh: Hữu Khoa.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM kiểm tra lọ vaccine AstraZeneca trước khi bắt đầu tiêm chủng ngày 8/3. Ảnh: Hữu Khoa.

So với phản ứng khi tiêm các loại vaccine khác, một nữ bác sĩ 40 tuổi cho rằng "cảm giác vaccine ngừa Covid-19 lâu tan trong cơ hơn, đau mỏi hơn". Sau khi tiêm khoảng 4 giờ, chị sốt nhẹ, người cảm thấy hơi khó chịu, uể oải. Đến 12 giờ sau, các triệu chứng bắt đầu giảm dần và ngày hôm sau thì khỏe hẳn.

Trong khi đó, một nam bác sĩ từng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, cho biết anh không ghi nhận bất cứ triệu chứng nào bất thường sau khi tiêm vaccine. "Tôi không thấy cơ thể phản ứng gì cả, không uể oải hay đau nhức như các đồng nghiệp", anh nói.

Việt Nam hiện có 117.500 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bộ Y tế quyết định phân phối vaccine trước cho 13 tỉnh thành, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19. Dự kiến trong tháng 3 và 4, hơn 5 triệu liều nữa được Việt Nam tiếp nhận thành nhiều đợt.

Theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, đến ngày 20/3, hơn 32.000 người được tiêm vaccine Covid-19. Họ là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Tại TP HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là đơn vị đầu tiên tiêm vaccine Covid-19, tiếp nhận 900 liều, bắt đầu tiêm từ ngày 8/3. Đa số mọi người có phản ứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm sưng đau tại chỗ tiêm, đau cơ, đau đầu, sốt, đau khớp, bồn chồn, khó chịu, ớn lạnh, chóng mặt, tiêu chảy, đau họng.

Ngoài ra, Bệnh viện Quân y 175 cũng đã triển khai tiêm cho 64 y bác sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3, sáng 16/3, trước khi những người này lên đường tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM đã tiếp nhận 8.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca vào ngày 10/3. Số vacine này dự kiến tiêm cho 8.000 nhân viên chống Covid-19 từ ngày 22/3 đến 19/4, đảm bảo mục tiêu 95% nhân viên tham gia chống Covid-19 tại thành phố được tiêm vaccine.

Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường, điều đó cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vaccine để phòng bệnh. Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm là hiếm gặp nhưng người đi tiêm chủng cần nắm được các dấu hiệu bất thường và các bệnh viện cần đến theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trong trường gặp phản ứng thông thường nhưng diễn biến nặng lên cũng cần đến cơ sở y tế sớm.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn khi làm việc.

Lê Phương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Y tế 24h - 19/04/2024

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Y tế 24h - 19/04/2024

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Y tế 24h - 19/04/2024

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Y tế 24h - 17/04/2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Y tế 24h - 17/04/2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới