Sinh viên Y trắng đêm 'gác cửa' chặn Covid-19

Theo VnExpress 11/08/2020 - Y tế 24h
Nửa đêm, trời đổ mưa to, Tuấn và lực lượng trực chốt vội vàng sơ tán vật dụng trong lều lên chỗ cao rồi tiếp tục gác xuyên đêm.

Đó là đêm 3/8, Cao Anh Tuấn, 22 tuổi, sinh viên năm 4, trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đang trực tại chốt kiểm soát C13, dưới chân núi Thần Tài, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang để phòng chống Covid-19. Chốt trực nằm ở rìa thành phố, là một lều dã chiến của lực lượng quân đội dựng bên mép đường. Khi cơn mưa đến bất chợt, mọi người nhanh chóng sơ tán đồ dùng như bao tay, đồ bảo hộ, khẩu trang,...trước khi nước tràn vào. "Xong việc, ai cũng mệt bở hơi tai nhưng đều nhìn nhau cười để khích lệ", Tuấn nhớ lại.

Đây là ca trực ngoài trời cả đêm đầu tiên của bác sĩ đa khoa tương lai. Không ngại vất vả hay nguy hiểm, điều Tuấn lo lắng nhất là bỏ sót người nghi nhiễm khiến tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng thêm phức tạp. Ngoài Tuấn còn có Ngô Văn Quốc Minh, sinh viên năm nhất, khoa Kỹ thuật hình ảnh cùng trực tại chốt C13.

Ban đầu, Minh cũng lo lắng vì chưa có nhiều kinh nghiệm lâm sàng như các anh chị nên cố gắng lưu ý kỹ năng tập huấn và giữ tinh thần thoải mái nhất. "Nhiệm vụ này không khó, nhưng khối lượng công việc lại lớn. Thêm vào đó là nguy cơ lây nhiễm cao, vì tiếp xúc với rất nhiều người, trong khi không biết họ có mang mầm bệnh hay không", Minh nói.

Cao Anh Tuấn đang đo thân nhiệt cho người đi qua chốt trực. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cao Anh Tuấn đang đo thân nhiệt cho người đi qua chốt trực. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hàng ngày, Tuấn và Minh đi xe máy từ chỗ ở tập trung đến chốt trực, bàn giao ca rồi bắt đầu nhiệm vụ. Công việc chính là đo thân nhiệt những người đi qua chốt trong khoảng thời gian từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Tuy nhiên, để giữ gìn sức khỏe, Tuấn và Minh trực chung từ 18h đến 22h sau đó chia ra làm ca trước (22h-2h) và ca sau (2h-6h), để thay phiên nhau trực.

Theo Tuấn, những người đi qua chốt kiểm soát chủ yếu là người làm việc ở núi Thần tài, người giao hàng, đi chợ sớm, thỉnh thoảng có xe cứu thương. Do đó, thời gian đông người đi qua nhất là từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng.

"Thông thường, mọi người chủ động dừng lại để đo thân nhiệt, còn những người lần đầu đi qua, không nhìn thấy chốt thì công an giao thông sẽ nháy đèn tín hiệu, yêu cầu dừng lại để kiểm tra, quyết không để sót bất kỳ trường hợp nào", Tuấn cho biết.

8 ngày nhận nhiệm vụ canh gác cửa ngõ thành phố, Tuấn và Minh còn gặp nhiều khó khăn ngoài dự tính, nhất là việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt. Tuy nhiên, mọi người nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của nhiều người. Một lần, Tuấn còn được một người dân sống ở bên kia đường mang đồ ăn và nước uống, nói: "các chú chống dịch vất vả rồi, phải cho tôi cùng góp sức chứ", rồi chào về.

Cùng nhóm trực với Tuấn và Minh còn có Nguyễn Thu Hà, sinh viên năm ba, khoa Dược. Trước khi đăng ký ra tiền tuyến chống dịch, Hà còn được gia đình động viên và dặn con gái tự biết bảo vệ bản thân mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hà cho biết, công việc kiểm soát dòng người qua lại, đo nhiệt độ ban ngày thuận lợi hơn so với buổi tối. Tất cả phương tiện, người dân ra, vào chốt sẽ được lực lượng cảnh sát yêu cầu dừng lại để khai báo thông tin. Cùng lúc đó, cô sẽ thực hiện đo thân nhiệt và ghi lại kết quả. Trung bình một ngày, Hà phải đo khoảng 100 người.

"Việc kiểm soát giúp y tế kịp thời phát hiện, xử lý đối với người có biểu hiện sốt, ho, không để phát tán dịch bệnh, đồng thời kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp không trang bị khẩu trang, phòng hộ chống dịch", Hà nhấn mạnh.

Những trường hợp có thân nhiệt bình thường sẽ được vào thành phố. Ngược lại những trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, thân nhiệt cao...sẽ được giữ lại để khám sâu, khử khuẩn. Đến nay, chưa có trường hợp nào có biểu hiện nghi ngờ.

Ban ngày, mọi người thay phiên nhau đo thân nhiệt và kiểm soát dòng người đi qua khu vực chốt chặt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ban ngày, mọi người thay phiên nhau đo thân nhiệt và kiểm soát dòng người đi qua khu vực chốt chặt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trở về phòng nghỉ sau khi kết thúc ca trực, Tuấn, Minh, Hà và bạn luôn dành thời gian để gọi điện về cho gia đình và nghỉ ngơi. Tất cả bạn sinh viên điều động chống dịch đều ở lại ủy ban để không lây nhiễm cho người nhà.

Riêng Tuấn còn tham gia đi truy vết cùng với mọi người khi có lệnh điều động. Tuấn ước, giá không có dịch bệnh và giãn cách xã hội, mọi người có thể tiếp tục đến Đà Nẵng du lịch, còn anh tiếp tục ôn thi để bước vào năm học mới như mọi năm.

Còn đối với Hà, phó bí thư chi đoàn khoa Dược đã quen với những lần công tác xa hay những chuyến tình nguyện trong điều kiện khắc nghiệt, "song chuyến đi lần này cam go, chẳng biết kéo dài đến bao giờ", Hà chậc lưỡi, nói.

Thùy An

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Vụ ăn bánh mì gần 600 người nôn ói: Tìm ra hai vi khuẩn chính gây ngộ độc

Vụ ăn bánh mì gần 600 người nôn ói: Tìm ra hai vi khuẩn chính gây ngộ độc

Y tế 24h - 08/05/2024

Vụ ăn bánh mì gần 600 người nôn ói: Tìm ra hai vi khuẩn chính gây ngộ độc

Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vitamin D, bác sĩ nhi khoa khuyến cáo liều dùng

Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vitamin D, bác sĩ nhi khoa khuyến cáo liều dùng

Y tế 24h - 03/05/2024

Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vitamin D, bác sĩ nhi khoa khuyến cáo liều dùng

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: 447 ca nhập viện, 2 ca rất nặng phải lọc máu

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: 447 ca nhập viện, 2 ca rất nặng phải lọc máu

Y tế 24h - 03/05/2024

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: 447 ca nhập viện, 2 ca rất nặng phải lọc máu

Sức khỏe của 5 nạn nhân trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai đã ổn định

Sức khỏe của 5 nạn nhân trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai đã ổn định

Y tế 24h - 02/05/2024

Sức khỏe của 5 nạn nhân trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai đã ổn định

Hạnh phúc vỡ òa của người mẹ mang gen lặn bệnh loạn dưỡng cơ

Hạnh phúc vỡ òa của người mẹ mang gen lặn bệnh loạn dưỡng cơ

Y tế 24h - 02/05/2024

Hạnh phúc vỡ òa của người mẹ mang gen lặn bệnh loạn dưỡng cơ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới