Nữ điều dưỡng thai 38 tuần làm trong khu cách ly Bạch Mai

Nhận tin bệnh viện sẽ bị cách ly, điều dưỡng Hương, 27 tuổi, mang thai tháng thứ 9, lo lắng gọi về thông báo cho người nhà.

"Ngày 19/3 có lẽ là ngày khó quên của toàn bộ y bác sĩ khoa C4, Viện Tim mạch khi nhận lệnh cách ly đột ngột. Nhiều người chưa kịp chuẩn bị quần áo, thực phẩm. Còn tôi thì lo lắng vì sắp sinh rồi mà chưa chuẩn bị được gì, cũng không biết gia đình có được vào chăm hay phải đi sinh một mình", Hương kể lại, sáng 31/3.

Hương là điều dưỡng tại khoa C4, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Cô mang thai chỉ hai tuần nữa là đến ngày sinh. Hương dự định làm việc tại bệnh viện đến hết tuần vừa rồi mới nghỉ, không ngờ viện phải cách ly đột ngột sau khi ghi nhận hàng chục ca nhiễm nCoV từ những người làm trong bệnh viện, đặc biệt là nhân viên của công ty cung cấp dịch vụ ăn uống. 

Cô nói: "Tôi hiểu, việc cách ly là cần thiết, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng".

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, trưởng khoa C4, Viện Tim Mạch, cho biết phải cách ly người đang mang thai là điều không ai mong muốn nhưng buộc phải làm vì cô có tiếp xúc với người nhiễm virus.

"Cách ly là để đảm bảo an toàn cho sức khỏe hai mẹ con cũng như mọi người xung quanh", bác sĩ Thái nói. 

Bệnh viện cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho nữ điều dưỡng làm việc và có thể sớm kết thúc cách ly trước khi cô sinh. 

Mấy ngày nay ở trong viện, công việc của Hương không có nhiều thay đổi. Hàng ngày, cô cùng y bác sĩ chăm sóc, theo dõi, tiêm truyền cho bệnh nhân đang điều trị. Khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ trở thành vật bất ly thân khi vào phòng điều trị bệnh nhân. Điều dưỡng đang phải gánh thêm công việc chăm sóc, lo ăn uống cho bệnh nhân do người nhà đã đi cách ly tập trung toàn bộ. 

Điều dưỡng Hương làm việc trong khu cách ly, khoa C4, Viện tim mạch ngày 30/3. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Điều dưỡng Hương làm việc trong khu cách ly, khoa C4, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai ngày 30/3. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khoa C4, Viện Tim mạch, là nơi "bệnh nhân 86" từng điều trị. Khu cách ly C4 có hơn 30 y bác sĩ, thay phiên điều trị 24 bệnh nhân nặng. Để giảm áp lực công việc, nhân viên y tế được chia thành từng kíp 4 người gồm hai bác sĩ, một điều dưỡng, một học viên. Mọi người phải thay phiên nhau trực, khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Toàn bộ nhân viên y tế ở C4 và người nhà, người bệnh đã được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, đều có kết quả âm tính. Ngày 31/3 sẽ lấy mẫu lần 3.

Khó khăn hiện nay của các y bác sĩ là thời gian cách ly có thể kéo dài đến gần cuối tháng 4. Theo bác sĩ Thái, y bác sĩ có kết quả xét nghiệm âm tính tức là cơ thể hoàn toàn không bị nhiễm bệnh, nhưng việc sẽ ở lại khu cách ly, bị cách ly kép khiến tâm lý nhiều người rất nặng nề.

"Ngoài kia, đồng nghiệp đang chiến đấu mỗi ngày để chống dịch còn chúng tôi lại như đang dừng lại một chỗ. Đó là điều tiếc nuối nhất của tôi hiện giờ", bác sĩ Thái nói. 

Trong Bệnh viện Bạch Mai còn có Khoa Thần kinh và Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cũng phải cách ly toàn bộ.

Một phòng điều trị bệnh nhân nặng tại khoa C4, Viện tim mạch. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một phòng điều trị bệnh nhân nặng tại khoa C4, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đây là lần đầu tiên Bạch Mai bị cách ly. Những dãy hành lang, ghế đá không còn bóng người nằm, ngồi như mọi khi. Trong các khu điều trị, chỉ thấp thoáng một vài cán bộ y tế, không còn cảnh chen chúc đến khám bệnh hay quá tải bệnh nhân.

"Là một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất cả nước, áp lực càng lớn thì càng phải nỗ lực càng nhiều. Đại dịch này cũng vậy, tôi tin rồi Bạch Mai cũng sẽ sớm vượt qua", điều dưỡng Hương nói. 

Trở lại phòng nghỉ sau một ngày làm việc, Hương tựa vai vào tường, tháo khẩu trang để hít thở không khí. Cúi đầu nhìn xuống, cô xoa bụng rồi dành lời yêu thương cho "thiên thần nhỏ" sắp chào đời.

Bốn ngày trước, khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần hai, Hương thông báo cho gia đình rằng mình vẫn an toàn. Hương cũng tự động viên bản thân khi được đồng nghiệp tạo điều kiện để vừa hoàn thành công việc, vừa đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con. 

"Tôi lấy con làm động lực. Chắc hẳn khi sinh ra, con tôi cũng sẽ dũng cảm và bản lĩnh", cô nói. "Mong rằng tôi có thể hết cách ly trước khi sinh để được ở bên cạnh gia đình lúc quan trọng nhất".

Thùy An

Nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe/nu-dieu-duong-thai-38-tuan-lam-trong-khu-cach-ly-bach-mai-4076769.html

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Mẹ và bé - 20/03/2024

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Mẹ và bé - 07/03/2024

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Mẹ và bé - 08/12/2023

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Mẹ và bé - 06/09/2022

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Mẹ và bé - 20/07/2022

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới